TRIỆU VIỆT VƯƠNG – Truyện tranh Lịch sử Việt Nam
Triệu Quang Phục, người huyện Chu Diên (nay thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên), ông sinh vào ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn (524). Cha ông là Thái phó Triệu Túc, bà mẹ tên là Nguyễn Thị Hựu. Triệu Quang Phục, (sau này xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương). Ông đã trị vì đất nước Vạn Xuân, từ năm 548 đến năm 571.
Lúc còn nhỏ, Triệu Quang Phục có sức khỏe và trí thông minh bẩm sinh, ông lại được cha dạy dỗ, rèn luyện nghiêm khắc, nên chưa đầy 15 tuổi, ông đã tinh thông cả văn lẫn võ.
Dưới sự cai trị hà khắc của quan lại Nhà Lương, nhân dân lúc bấy giờ vô cùng cực khổ. Cha ông là Triệu Túc, đã âm thầm lập một đội thân binh, âm thầm luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ khởi sự, chống lại quân nhà Lương. đội thân binh này hoạt động dưới danh nghĩa là một phường đi săn. Và triệu quang phục được giao nhiệm vụ là trưởng phường săn đó. Kể từ đó, phường săn vùng Chu Diên nhanh chóng lớn mạnh, Triệu Quang Phục ngày ngày tập luyện các trai tráng dàn quân đánh trận. Và tài năng quân sự của ông đã bộc lộ ngay từ hồi nhỏ.
Vào năm 541, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, Cha con Triệu Quang Phục dẫn đội thân binh về tụ nghĩa dưới cờ của Lý Bí.
Triệu Quang Phục là một vị tướng tài ba, ông tham gia trận mạc không kể hiểm nguy và dành được nhiều chiến công trong cuộc giải phóng dân tộc.
Mùa xuân 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế và đặt tên nước là Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được trao chức Tả tướng quân, thống lĩnh ba quân ngoài biên ải.
Tháng 5 năm 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy, lại sang đánh Vạn Xuân. Lý Nam Đế thua trận, lui vào động Khuất Lão. Trước khi mất, Lý Nam Đế trao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác, Triệu Quang Phục đem quân về xây dựng căn cứ ở đầm Dạ Trạch (ngày nay đó là bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). “Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc, không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết”.
Ngay sau khi tụ binh ở đầm dạ trạch, Triệu Việt Vương đã nghĩ ngay đến việc tự túc lương thực, để kháng chiến lâu dài. Ông chia quân thành nhiều toán, vừa xây dựng căn cứ, vừa sản xuất lương thực.
Khi căn cứ đầm Dạ Trạch hoàn thành, thì quân lính Nhà Lương mới đánh hơi được. Trần Bá Tiên huy động quân lính, vội vã kéo đến và bao vây kín đầm. Nhìn đầm rộng mênh mông, chỉ có lau sậy, Trần Bá Tiên đắc ý và nói với tả hữu: “Số phận của quân Dạ Trạch đã được định liệu. Một vạn miệng ăn chen chúc trong đầm tất phải chết đói. Ta chỉ cần bao vây chứ không cần đánh”.
Nói rồi Bá Tiên cho quân lính đóng đồn bao vây và canh giữ ngày đêm quanh đầm dạ trạch. Qua thời bao vây lâu ngày, nhưng không thấy nghĩa quân chết đói, ngược lại, các đồn của quân nhà Lương, còn liên tiếp bị nghĩa quân của Triệu Việt Vương đột kích.
Nghĩa Quân của Triệu Việt Vương, vào ban ngày, nghĩa quân sinh hoạt nhưng không để lộ hình tích. Đun không khói, dàn trận không tiếng động. Khi đêm đến, những toán tinh binh lướt trên thuyền độc mộc, bất ngờ tấn công vào các doanh trại của quân giặc đóng xung quanh đầm.
Quan quân nhà Lương rối loạn trước những đòn đánh xuất quỷ nhập thần của nghĩa quân. Chúng mất ăn, mất ngủ, không biết đằng nào mà chống đỡ. Lại thêm lương thực liên tục bị cướp, quân địch rơi vào thế túng quẫn. Trần Bá Tiên phải cho quân rút lui ra ngoài 30 dặm. Đây là điều kiện tốt để Triệu Việt Vương liên hệ với nhân dân quanh vùng, nhằm phát triển lực lượng.
Trong thời gian ấy, nhân dân cả nước đều hướng về đầm Dạ Trạch. Mọi người quyên góp tiền của, thóc gạo, khuyến khích trai tráng đi theo Triệu Việt Vương để giết giặc cứu nước. Quân Triệu Việt Vương càng lúc càng mạnh. Dân chúng tôn Triệu Việt Vương là Dạ Trạch Vương, coi ông như là một vị thần, có công bảo vệ giang sơn. Trần Bá Tiên thấy thế thì vô cùng sỡ hãi.
Tháng giêng năm 550, một cuộc binh biến do viên quan tên là Hầu Cảnh đứng đầu đòi cướp ngôi vua xảy ra tại kinh sư Nhà Lương. Lương Vũ Đế hoảng hốt cho triệu đại tướng Trần Bá Tiên quay về kinh sư cứu giá. (Y được phong lên làm thừa tướng, nhưng một thời gian sau, vào năm 557, thì Bá Tiên cũng cướp ngôi Nhà Lương.)
Sau khi Bá Tiên trở về Phương Bắc, Nhân cơ hội đó. Triệu Việt Vương phát lệnh tổng phản công. Vào một buổi bình minh rực rỡ, hàng ngàn chiến thuyền độc mộc của nghĩa quân Vạn Xuân từ trong đầm đã vun vút lao ra, Những tuyến phóng thủ của quân Lương lần lượt bị tan vỡ. Triệu Việt Vương dẫn đầu ba quân tả xung hữu đột, Quân lương dày xéo lên nhau chạy toán loạn về Phương Bắc. Viên phó tướng được ủy quền thống lĩnh quân sĩ, là Dương Sàn đã bị Triệu Việt Vương chém chết tại trận.
Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Triệu Việt Vương, dẫn quân khải hoàn về kinh đô Long Biên. Vua ban chiếu chỉ nhằm khôi phục lại kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao. Việt Vương là người trọng tín nghĩa nên vua không cho đổi quốc hiệu, vẫn giữ tên nước là Vạn Xuân, ông còn đem nhiều khoảnh đất công để phong ấn cho tôn thất của nhà Lý Nam Đế, trong thành, ngoài cõi, ai ai cũng phục ân đức của Triệu Việt Vương.
Năm 557, Lý Phật Tử, người họ hàng của Lý Nam Đế, từ động Dã Năng kéo quân về gây chiến với Triệu Việt Vương. Sau nhiều lần đánh nhau bất phân thắng bại, hai bên giảng hòa, chia nhau đất đai, lấy bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát, thuộc Từ Liêm, Hà Nội) làm địa giới. Lý Phật Tử chủ động xin kết hôn mối thông gia với Triệu Quang Phục. “Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quần Thần cho ở phía Tây của nước, Lý Phật Tử dời đến thành Ô Diên. Triệu Quang Phục đã gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang là con trai của Lý Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau.
Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ tiến quân đánh úp, chiếm được nhiều cứ điểm trọng yếu của nhà nước Vạn Xuân. Nhã Lang đích thân dẫn quân tiến thẳng vào kinh thành Long Biên.
Triệu Việt Vương nửa đêm nghe tin cấp báo thì đã muộn, quân của Nhã Lang đã áp sát kinh thành. Biết thế bất lợi nhưng vua vẫn ung dung, mặc áo giáp, lên ngựa ra cửa thành dàn trận nghênh chiến. Nhã Lang cậy có nội ứng, nên thúc quân đánh bừa. Triệu Việt Vương nuốt nước mắt vào lòng, quyết chiến với quân phản trác cho đến khi vỡ trận.
Quân Triệu Việt Vương thua chạy về phía cửa biển Đại Nha, cùng đường, phía trước là biển sâu, phía sau là quân phản trác. Vua ngửa mặt lên trời và than rằng: “Ta lòng thành tin người đến nỗi mất nước. Ta hết đường rồi”. Nói rồi ông buông mình xuống biển sâu.
Nhân dân biết tin ông chết, đã kéo đến khóc và thương tiếc vị vua. Và lập đền thờ ở ngay cửa biển, nơi vua trẫm mình tự vẫn.
Lịch sử đã lùi xa, những gì còn lại về thân thế của Triệu Việt Vương đáng để hậu thế kính ngưỡng và cảm phục vị anh hùng dân tộc.
Sách đang có tại thư viện tỉnh Hà Giang. Kính mời quý độc giả và các bạn tìm đọc.
————————-
🕍Thư viện tỉnh Hà Giang:
Số 296 – Tổ 4 – Đường Trần Phú – TP Hà Giang tỉnh Hà Giang.
🏨Thư viện tỉnh mở cửa phục vụ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
⏰Sáng từ 7h30 đến 11h;
⏰Chiều từ 13h30 đến 16h30;
☎️SĐT: 02193 866 300;
📲website: https://thuvienhagiang.com.vn/
📲fanpage: https://www.facebook.com/thuvienhagiang23
📧Email: thuvienhagiangtvhg@gmail.com
▶︎Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCNQ-10YylYUBOftTiNY_GZg
✉Zalo: Thư viện Hà Giang
Hân hạnh chào đón bạn! 😄